Giảm cân như thế nào được coi là quá nhanh và không tốt cho sức khỏe? Cùng theo dõi bài viết của Eva Làm Đẹp để có cái nhìn khoa học và chính xác về vấn đề này, chị em nhé!
Mục lục
1. Giảm bao nhiêu cân trong thời gian bao lâu thì bị gọi là “giảm cân nhanh”?
Thân hình thon gọn hiển nhiên là mơ ước của nhiều chị em chúng ta.
>> Mà “thon gọn” cũng có hẳn định nghĩa chính xác & khoa học luôn nha. Chị em có thể tham khảo tại bài viết này: Chỉ số BMI
Khổ nỗi cân nặng cũng đỏng đảnh như chị em mình thưở mười tám đôi mươi vậy. Lắm lúc cứ cảm tưởng như trời đất ngoài kia hơi thừa tinh hoa hay sao á. Không thì cớ gì mà mình hít khí trời cũng lên cân vậy má!
Haiz. Có lẽ vậy nên “giảm cân” cũng là thứ mà chị em mình hay bị ám ảnh và tìm kiếm nhiều nhất.
Nhưng. Lại 1 chữ “nhưng” đau buồn…
Giảm cân cũng có cái cữ của nó. Không phải cứ hùng hục giảm nhiều cân trong thời gian ngắn là hay đâu!
Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh giảm cân nhanh và mạnh là không có tốt.
Mà thôi, dông dài làm gì, để mình nói có sách, mách có chứng cho chị em coi. Kẻo lại bị mấy mẹ bán đồ giảm cân nhanh kêu là nói điêu:
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh Quốc – NHS:
Tốc độ giảm cân an toàn là khoảng từ 0,5 – 1kg/tuần.
Còn theo một số nghiên cứu khác, các nhà khoa học khuyến nghị người bình thường không nên giảm quá 1,5kg/tuần. Riêng với những người mà tình trạng béo phì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, mức cân nặng mất đi mỗi tháng được khuyến cáo không quá 6kg.
Như vậy, giảm cân nhanh là giảm quá 1,5 kí lô/tuần.
2. Giảm cân nhanh có an toàn không?
Giảm cân nhanh có an toàn không?
Như mình đã nói ở trên, chắc các chị em cũng đã đoán được câu trả lời rồi:
Không!
Có 3 nguyên nhân chính mà chị em nên luôn ghi nhớ trong đầu mỗi khi định giảm cân nhanh nhé:
Giảm cân nhanh tưởng là đẹp hơn. Nhưng ai ngờ lại nhận một cú lừa!
Thật vậy, cân nặng giảm nhanh thì lớp mỡ dưới da và cơ bắp cũng biến mất với tốc độ đáng kinh ngạc. Hậu quả là da chưa co lại kịp thời và mất đi độ đàn hồi và săn chắc ban đầu. Nói cách dân dã là da sẽ bị nhão.
Thôi, khỏi nói tiếp vụ ảnh hưởng tới nhan sắc này nhé!
Giảm cân nhanh để lại nhiều hệ lụy xấu tới sức khỏe
Không dưng mà các nhà khoa học khuyến cáo chỉ nên giảm < 2kg/tuần. Muốn chi tiết hơn thì chị em chịu khó đọc đến mục 4 là sẽ rõ nhé!
Giảm nhanh thì tăng lại cũng nhanh
Tiếp tục là các dẫn chứng từ các nghiên cứu khoa học tại Thư viện Y tế Quốc gia Hoa Kì: [2],[3],[4]
Muốn giảm cân nhanh thì các ứng viên cần phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng và tập luyện rất khắt khe. Nhưng đa số họ lại “hồi phục” được một nửa số cân họ giảm được, chỉ sau 1 năm. Oái ăm hơn, họ lại được “tặng” trở lại toàn bộ số cân nặng đã giảm được, chỉ sau 3-5 năm.
Câu hỏi duy nhất lúc này là: “Sao phải khổ vậy?”
3. Thế sao vẫn có nhiều sản phẩm quảng cáo là giảm cân nhanh thế? Mình có nên xài không?
Chắc đây là phần nhiều chị em cứ thấy gờn gợn từ nãy tới giờ.
Mình lại trả lời theo phong cách quen thuộc nhé:
Đừng có tin. Chẳng giảm được đâu. Mà giảm được thật thì lại càng GAY!!!
Chưa có loại “thần dược” nào giúp giảm cân nhanh mà an toàn.
Thật đấy! Cơ chế giảm cân duy nhất tồn tại trên đời này là: “Năng lượng nạp vào cơ thể ít hơn năng lượng cơ thể sử dụng”.
Vậy là cần tác động theo cơ chế giảm năng lượng nạp vào cơ thể và/hoặc tăng năng lượng mà cơ thể sử dụng.
Nhưng theo Cục Quản lí Thực phẩm và Thuốc Hoa Kì [5], chỉ có hiếm hoi 1 vài hoạt chất mới được chứng minh có khả năng giảm cân an toàn. Và tất cả đều là THUỐC. Và đều cần được bác sĩ giám sát chặt chẽ trong cả quá trình kê đơn và sử dụng.
Vậy đấy, chị em còn lòng tin vào mấy sản phẩm thần thánh nữa không?
Loại nào mà giảm cân nhanh thật thì còn nguy hiểm hơn!
Như chị em thấy ở trên, mình nhắc đi nhắc lại chữ an toàn.
Vì quả thực là có mấy hoạt chất giúp giảm cân nhanh thật chứ không đùa.
Cơ chế thì đơn giản thôi.
70% cơ thể là nước. Và tăng cân là do ăn nhiều.
Vậy thì… cho xài mấy viên thuốc xổ. Để ăn bao nhiêu là… ra bấy nhiêu. Kèm thêm mất nước kha khá.
Thế là giảm cân vèo vèo!
Mỗi tội, tác dụng phụ cũng chẳng vừa đâu: rối loạn điện giải, hôn mê, teo cơ,…
À, còn 1 dòng hoạt chất nữa giúp giảm cân kì diệu lắm. Mỗi tội gây… suy tim và cơ số nguy cơ khác nên bị cấm thôi.
Thả nhẹ cái link về vi phạm của Giảm cân Cường Anh – “hiệu quả” nhưng chứa chất cấm để chị em cảnh giác nhé!
Bên khác nói không có dẫn chứng. Còn mình là Dược sĩ nên đầy đủ tài liệu khoa học tham khảo hết, chị em cứ yên tâm mà coi nha!
Nguy cơ mất cơ
Giảm cân không đồng nghĩa với giảm mỡ đâu nhé!
Chế độ ăn với lượng calo rất thấp có thể giúp chị em giảm cân nhanh thật. Nhưng phần lớn trong số cân nặng mất đi là do teo cơ và mất nước. [6] [7]
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã để 25 người thử nghiệm chế độ ăn calo rất thấp (500 calo/ngày) trong suốt 5 tuần. Nhóm đối chứng là 22 người ăn theo chế độ calo thấp (1.250 calo/ngày) trong 12 tuần.
Kết thúc nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy cả 2 nhóm đã giảm được số cân như nhau.
Nhưng, lại là nhưng. Những người theo chế độ ăn thứ nhất đã bị mất lượng cơ gấp 6 lần những người ở nhóm 2. [7]
Nguy cơ ảnh hưởng lâu dài khả năng chuyển hóa chất của cơ thể
Giảm cân nhanh có thể làm giảm khả năng trao đổi chất của cơ thể.
Trao đổi chất sẽ quyết định lượng calo mà bạn tiêu hao hàng ngày.
Một số nghiên cứu đã phát hiện thấy việc giảm cân nhanh bằng cách ăn ít calo đi sẽ khiến bạn hàng ngày giảm tiêu hao tới 23% lượng calo. [8] [9]
2 nguyên nhân dẫn tới vấn đề này: teo cơ và giảm lượng hormone điều hòa chuyển hóa, như hormone thyroid. [10] [11]
Đáng buồn là hậu quả giảm chuyển hóa chất này vẫn còn tồn tại rất lâu kể từ khi kết thúc ăn kiêng. [8]
Nguy cơ rối loạn dinh dưỡng
Nếu thường xuyên không ăn đủ calo, chị em có nguy cơ thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, folate và vitamin B12.
Một vài hậu quả đáng lưu ý của việc thiếu dinh dưỡng mà chị em cần lưu tâm gồm:
Rụng tóc: ăn quá ít calo sẽ không đủ dinh dưỡng để tóc phát triển, do đó dẫn tới rụng tóc. [12] [13]
Mệt mỏi quá mức: Không hấp thu đủ sắt, vitamin B12 và folate sẽ khiến bạn có nguy cơ bị mệt mỏi quá mức và thiếu máu.
Chức năng miễn dịch suy yếu: Không đủ calo và dinh dưỡng sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể và làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh. [14]
Xương yếu và dễ gãy: do thiếu hụt vitamin D, calci và phosphor trong chế độ ăn. [15] [16]
Nguy cơ sỏi mật
Sỏi mật là những mảnh cứng được hình thành bên trong túi mật. Đây là một tác dụng phụ gây rất nhiều đau đớn mà chị em có thể gặp phải khi giảm cân quá nhanh. [17] [18] [19]
Thông thường, tuyến mật sẽ tiết ra dịch mật để phân giải các thức ăn nhiều chất béo. Khi ăn ít thì lượng dịch mật được giải phóng ít.
Sỏi mật có thể hình thành khi dịch mật tích tụ lâu ngày làm các hoạt chất của bên trong kết hợp với nhau.
Sỏi mật do đó sẽ gây tắc nghẽn túi mật và gây ra những cơn đau do sỏi mật nghiêm trọng. [20]
Các tác dụng phụ khác
Một số tác dụng phụ phổ biến khác của việc giảm cân nhanh bao gồm: dễ cáu gắt, chuột rút, hoa mắt chóng mặt, rối loạn tiêu hóa và điện giải,… [21] [22]
5. Tổng kết
Ôi giời ơi là giời!
Cuối cùng cũng đến phần kết. Nghỉ ngơi được rồi.
Tóm cái váy lại là giảm cân nhanh không có tốt!
Chị em không nên thực hiện theo.
Và hãy thương cho mình dành mấy tiếng liền tổng hợp tài liệu để viết bài chính xác, khoa học, dễ đọc cho chị em.
Do đó, đừng tiếc chia sẻ bài viết để nhiều người chị em khác được tiếp cận kiến thức này nhé!
Nguồn tài liệu khoa học tham khảo
Nhiều quá (22 mục lận) nên chị em nào muốn coi thì click vào nút dưới đây nhé: